Tuổi Thanh Xuân Chôn Giấu Dưới Bụi Trần Chương 2-2: Quên anh đồng nghĩa với việc mất đi tín ngưỡng (2)

2.

Thôn Long Sơn cách trung tâm thành phố K khoảng hai tiếng đi xe buýt, cho nên mặc dù trên đường đi gặp một số rắc rối nho nhỏ, nhưng họ vẫn kịp về thôn Long Sơn trước bữa cơm trưa.

Xe chạy vào trong thôn, đường xá hơi gập ghềnh, Quan Vi Trần giảm tốc độ. Long Vịnh Thanh ngồi trên xe, nhìn từng cảnh vật lướt qua ngoài xe, nhớ đến muốn khóc.

Trên hồ nước trước cổng thôn vẫn có rất nhiều hoa sen, hoa cỏ dại hai bên đường không biết đã khô héo mấy lần, rồi lại hồi sinh mấy lượt, nhưng vẫn ngoan cố mọc lại ngay tại nơi đó. Hòn đá to trước thôn vẫn nằm kia, nhiều chữ viết nguệch ngoạc cứ chồng chéo lên nhau mãi...

Xe lắc lư chầm chậm, người đi đường không nhiều. Ngẫu nhiên gặp được một hai người nông dân đang vội về nhà ăn trưa, Long Vịnh Thanh xúc động thò đầu ra khỏi xe chào hỏi người ta, “Chú Lưu Nhị, chú còn nhớ con không? Con là Vịnh Thanh, Vịnh Thanh của nhà ông Long ấy.”

Người nông dân già mắt đã hơi mờ đang chạy xe máy chầm chậm về nhà, nheo mắt nhìn hồi lâu mới nhận ra là ai, cười ha hả rồi hét lên, “Vịnh Thanh, Vịnh Thanh nhà ông Long, cháu về rồi đấy à?”

“Dạ là con, chú Lưu Nhị, con về nhà ăn cơm đã, rồi con đến nhà thăm chú sau.” Long Vịnh Thanh cười hỉ hả vẫy tay với chú Lưu Nhị, thò đầu ra ngoài xe nhìn thật lâu mới quay vào lại.

Thôn Long Sơn thực ra không lớn. Bởi vì người trong thôn đều tin vào phong thủy, cho rằng cửa nhà phải quay về hướng Nam mới may mắn, vì vậy tất cả nhà cửa trong thôn đều quay về hướng Nam, không có nhà nào xây theo hướng khác, cứ từng dãy, từng dãy nhà như thế, cho nên nhìn thôn làng rất ngay ngắn vuông vức, tổng cộng có hơn một trăm hộ dân đang sống ở đây. Nhà của Vịnh Thanh là ngôi nhà hai tầng có lát gạch men trắng bên ngoài, dãy thứ ba đếm ngược từ dưới lên, phía trước là khoảng sân có bức tường rào xây bằng xi măng, có cánh cửa gỗ màu đỏ tươi, kiểu dáng bình thường đến nỗi không thể nào bình thường hơn được nữa, trước cửa có một hàng hoa cây cảnh, trồng một vài loại cây xanh tươi quanh năm, nhưng bắt mắt nhất vẫn là cây ngân hạnh xanh rì có tuổi đời khoảng mười mấy năm rồi.

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nhưng khi bóng cây ngân hạnh đã xa cách ba năm đó nằm gọn trong tầm mắt, cô không kìm được bật khóc, gốc cây đó hình như đã cao lên rất nhiều, từng tán lá xanh um vươn ra đón ánh nắng mặt trời, chỉ có điều giữa những cành cây được chiếu sáng đó không bao giờ nhìn thấy bóng dáng người con trai tuấn tú, nghiêm túc đó nữa.

Cô đứng ngắm gốc cây đó, vuốt ve những chiếc lá hình rẻ quạt, không biết đã đứng bao nhiêu lâu, rơi không biết bao nhiêu nước mắt. Quan Vi Trần chuyển đồ đạc của cô xuống, cũng không làm phiền cô, lặng lẽ đứng bên cạnh. Lúc này hình như người trong nhà nghe thấy động tĩnh ở bên ngoài, vội vàng mở cổng, mẹ Long tay cầm một sợi roi mây to như ngón tay giận dữ lao ra ngoài, không hề khách sáo quất vào chân Long Vịnh Thanh, “Con bé không có lương tâm này, còn biết đường mà về hả? Mẹ cứ tưởng con chết giẫm ở bên ngoài luôn rồi chứ. Ba năm không về, để xem mẹ dạy dỗ con như thế nào đây....”

Một roi vừa yêu vừa giận này, đủ mạnh đến nỗi Long Vịnh Thanh vừa nhảy vừa kêu lên vì đau đớn, “ui da ui da” hét toáng cả lên. Cô bị dọa đến nỗi quên cả khóc, nhìn dáng vẻ của mẹ già giống như muốn giết cô đến nơi vậy, cô vội ôm đầu bỏ chạy, “Mẹ, mẹ, có gì cứ bình tĩnh nói, không phải con đã về rồi sao? Mẹ... Con sai rồi... Con sai rồi mà.”

“Chết giẫm bên ngoài không thèm về nhà lấy một lần, chi bằng hôm nay mẹ đánh cho chết luôn đi...” Mẹ Long vẫn không tha, cầm roi mây đuổi theo, Long Vịnh Thanh chạy thục mạng, bà cũng hùng hục đuổi theo. Mẹ Long huơ huơ roi mây lên, nhưng mỗi lần đều quất vào không khí, đánh một lúc thì nước mắt cũng chảy theo, “Con nói xem, sao con lại nhẫn tâm như vậy... Ba năm rồi không thèm về...”

Nhìn thấy nước mắt của mẹ, Long Vịnh Thanh sợ không dám bỏ chạy nữa, đứng đó chịu trận, vừa khóc vừa chạy lại gần với mẹ Long, cuối cùng ôm lấy cổ mẹ, roi mây lần nữa vụt lên người cô, nhưng mà roi này nhẹ hơn nhiều, “Con bận rộn lắm à? Cho dù ai gọi điện cũng đều bảo bận việc không về được, “không về được” là câu nói cửa miệng của con hử? Con không có ai là người nhà nữa à? Con không có cha không có mẹ nữa hả? Con có biết ba mẹ nhớ con lắm không?”

Long Vịnh Thanh cũng không biết nói gì, cứ ôm lấy cổ mẹ, khóc hu hu, “Mẹ, con sai rồi, lần sau con không dám thế nữa.”

Hai mẹ con cứ ôm nhau khóc, cũng không biết là đã khóc bao nhiêu lâu, Quan Vi Trần đứng bên cạnh không chịu nổi nữa, nhỏ giọng hờn trách một câu, “Mẹ Long, lúc nào mới được ăn cơm ạ? Con đói sắp chết rồi đây này, mà mấy con cua trong thùng cũng sắp ngoẻo đến nơi rồi.” Câu nói của Quan Vi Trần thu hút thành công sự chú ý của mẹ Long, bà đẩy Long Vịnh Thanh ra, thương yêu cầm lấy tay Quan Vi Trần nói xin lỗi, quay vào trong nhà gọi to, kêu Vịnh Lục ở trong nhà ra chuyển đồ đạc vào.

Long Vịnh Thanh biết ba cô giờ này vẫn đang làm ở trạm điện chưa về, gần đây ông mới được thăng chức, làm trạm trưởng của trạm điện nông thôn, đến tối mới về được nhà. Vịnh Lục làm trợ giảng ở trường đại học, nghe nói cũng sắp được thành cô giáo chính thức, đáng lẽ rất bận, lẽ ra phải ở trường suốt ngày mới đúng, không ngờ cũng đang ở nhà.

Vịnh Lục mặc một chiếc váy chữ A màu xanh nhạt bước ra, tóc đã dài hơn trước, đen nhánh suôn mượt đến tận eo. Mặc dù là chị em sinh đôi với Long Vịnh Thanh, nhưng cho dù khí chất hay ngoại hình đều không giống nhau, làm việc gì, đối với ai cũng đều lạnh lùng, ánh mắt khi nhìn người khác cũng rất mạnh mẽ, sắc sảo. Cô nhìn thấy Long Vịnh Thanh trở về với Quan Vi Trần thì càng trở nên lạnh lùng, đi lướt qua Long Vịnh Thanh không thèm chào hỏi gì, cúi xuống xách một cái túi đi vào.

Lần thứ hai trở ra xách đồ, mẹ Long còn đang ở trong nhà sắp xếp đồ đạc, ngoài cửa chỉ còn Long Vịnh Thanh và Quan Vi Trần đang loay hoay lấy đồ đạc từ trên xe xuống. Cô đứng bên cạnh chiếc xe, lạnh lùng nói một câu mà ai cũng nghe thấy, “Đôi gian phu dâm phụ, vẫn còn vác mặt về đây được à?”

Long Vịnh Thanh giả vờ như không nghe thấy, cầm túi đi vào nhà, Quan Vi Trần xách thùng đựng cua xuống xe, chạm phải ánh mắt hằn học thù địch của Vịnh Lục, cười như không có chuyện gì xảy ra, “Chị Vịnh Lục, em tận mắt nhìn thấy những con cua này được công nhân ở tiệm thủy sản bắt lên từ hồ Kịch Thủy, tươi lắm, lát nữa chị ăn nhiều vào nhé.”

“Chị không có cái phúc phận đó, em cứ việc mang vào lấy lòng chị Vịnh Thanh của em đi.” Vịnh Lục liếc Vi Trần một cái, nhìn thấy phản ứng thờ ơ của Vi Trần, bỗng nhiên lại nổi cơn giận, nhào qua hỏi một cách độc ác: “Quan Quan, cảm giác trên giường với Vịnh Thanh thế nào? Chị luôn thấy tò mò, hai người câu kết với nhau từ lúc nào vậy hả? Là trước khi chị ấy quen với anh Ngôn Từ hay sau đó? Nếu như lần đó không phải bị chị bắt gặp, có phải hai người định giấu mọi người, lén lút câu kết với nhau cả đời không hả?”

Quan Vi Trần vốn định giữ quan hệ vui vẻ với Vịnh Lục, nhưng nghe thấy những lời nói này, anh thực sự không thể chấp nhận được, thay đổi sắc mặt, ngẩng đầu nhìn ánh mắt khinh miệt của Vịnh Lục, từ từ nhếch môi lên, “Chị Vịnh Lục, em biết chị thích anh Ngôn Từ, nhưng chị thích anh ấy là việc của chị, anh ấy không chấp nhận chị là việc của anh ấy, chẳng có liên quan gì đến em và chị Vịnh Thanh cả, mong chị lần sau đừng trút giận lên người bọn em nữa được không? Nếu như chị thật sự hiếu kỳ chuyện của em và Vịnh Thanh, thế thì em nói thật cho chị biết, em và chị Vịnh Thanh chỉ làm chuyện đó đúng một lần, là cái lần chị nhìn thấy đó. Còn chuyện câu kết với nhau lúc nào, cái này thật khó nói, bởi vì từ nhỏ hai chị em đã thường xuyên nắm tay nhau chạy đi chơi, cũng đã từng tắm chung với nhau, cái này có được tính là câu kết hay không em cũng không rõ, không bằng chị Vịnh Lục nói cho em hay đi, bởi vì những lúc ấy đều chị chứng kiến mà.”

“Em... em...” Vịnh Lục không ngờ lần này Quan Vi Trần ngang nhiên trả đòn khiêu chiến của cô, nhất thời không biết trả miếng như thế nào, chỉ biết nói “em” một lúc mới lạnh nhạt cười một tiếng, “Quan Quan, mọi người đều cho rằng em là một con cừu, hơ, hóa ra mọi người đều lầm rồi.”

Quan Vi Trần nhún vai, chẳng bảo đúng cũng không nói sai.

Lúc này mẹ Long bưng một đĩa nho đã rửa sạch từ trong phòng đi ra, nhìn thấy Vịnh Lục và Quan Vi Trần còn đứng ở cổng nói chuyện, liền gọi họ vào, “Hai con đang nói chuyện riêng gì thế? Nhanh vào đây, rửa tay ăn nho, chờ canh chín là có thể ăn cơm được rồi.”

“Dạ.” Quan Vi Trần trả lời một tiếng, xách thùng cua đi vào, vòng qua Vịnh Lục bước vào nhà, Vịnh Lục vẫn đứng ở cổng, đứng rất lâu không hề nhúc nhích.

Bữa ăn đó được coi là vui vẻ, mẹ Long dùng giọng nói sang sảng của mình phát lại toàn bộ tin tức của thôn làng trong ba năm vừa qua, chuyện lớn thì nhà ai kinh doanh phát tài, con dâu của nhà nào sinh đôi được cặp long phượng, chuyện nhỏ thì chó nhà ai chết, trẻ con nhà ai chọc vào tổ ong trước cổng thôn, bị ong đốt sưng mặt, tất cả chuyện lớn chuyện bé, không kể là chuyện vui hay chuyện buồn, qua lời kể của mẹ Long, đều trở nên vui nhộn.

Long Vịnh Thanh nhét đầy thức ăn vào miệng, vừa ăn uống quên trời quên đất, vừa mở to mắt nghe mẹ Long kể chuyện, lâu lâu phun ra mấy mẩu thức ăn, “Tiểu Ý kết hôn rồi ạ? Con bé ấy chắc cũng cỡ tuổi con hả?”

“Thì thế.” Mẹ Long cười đùa vỗ vỗ vào chân Long Vịnh Thanh, “Con nghĩ con còn nhỏ à? Đã hai mươi bảy rồi đó.”

“Mẹ, đừng có suốt ngày nhắc nhở con chuyện này được không?” Long Vịnh Thanh lại cho một cái đùi gà vào miệng, vừa gặm vừa oán thán.

Quan Vi Trần ngồi bên cạnh cô, ăn uống nho nhã hơn cô nhiều, chỉ có điều khi mẹ Long và Long Vịnh Thanh nói chuyện anh hoàn toàn không có cơ hội để chen ngang. Vi Trần cũng không nói gì, chỉ nhìn quai hàm không ngừng hoạt động của cô mỉm cười, lâu lâu lại gắp một miếng cá đã gỡ hết xương cho vào chén cô, hoặc là múc thêm canh vào bát cho cô mà thôi.

Vịnh Lục im lặng không nói tiếng nào, ngồi ăn không hề biểu lộ cảm xúc, cho đến khi ăn xong, mới lặng lẽ đứng dậy thu dọn chét bát trên bàn ăn. Long Vịnh Thanh lau miệng, muốn giúp một tay, nhưng Vịnh Lục lại ngẩng đầu lạnh lùng nhìn cô, cúi đầu nói: “Nếu chờ chị về dọn dẹp, nhà này chắc thành cái ổ luôn rồi.”

Long Vịnh Thanh nghẹn lời, lúng túng ngồi xuống. Mẹ Long chụp lấy đôi đũa bên cạnh định đánh vào tay Vịnh Lục, “Vịnh Lục, chị con lâu lắm mới về nhà một lần, con ăn nói kiểu gì thế hả?”

Long Vịnh Thanh vội vàng nhảy qua, dùng tay che cho Vịnh Lục, đôi đũa đó quất mạnh vào mu bàn tay của cô, một lằn đỏ xuất hiện ngay trên mu bàn tay trắng ngần, cô không để ý, rảy rảy bàn tay, ngồi xuống ghế, ngẩng đầu nói với mẹ Long, “Mẹ, Vịnh Lục nói đúng, là con do bất hiếu.” Nói xong quay đầu nở một nụ cười nói với Vịnh Lục: “Vịnh Lục, em dọn dẹp đi, chị không làm phiền em nữa đâu.”

Vịnh Lục không thèm để ý đến cô, vẫn giữ thái độ lạnh lùng, bưng chồng chén đũa đi vào bếp.

Nhìn thấy thái độ của Vịnh Lục, Long Vịnh Thanh tuy cố nặn ra nụ cười, nhưng ít nhiều vẫn thấy thất vọng. Quan Vi Trần chẳng để ý đến thái độ của Vịnh Lục, anh kéo ghế ngồi cạnh Vịnh Thanh, kéo bàn tay bị đánh qua, nhẹ nhàng xoa bóp, nhíu mày hỏi: “Đau lắm không?”

“Con với Vịnh Lục không biết kiếp trước có thù oán gì với nhau, từ nhỏ đến lớn quan hệ chẳng mấy tốt đẹp.” Mẹ Long nhìn theo bóng lưng của Vịnh Lục lắc đầu than thở, “Nếu như tình cảm hai chị em thân thiết như giữa con và Tiểu Trần, kiếp này mẹ không có gì phải ân hận nữa cả.”

3.

Buổi chiều, Long Vịnh Thanh đến nhà bà đỡ, cô biết bà từng bó chân, bàn chân đã bị dị dạng, mua giày rất khó, cô đặc biệt chạy đến tiệm giày Bắc Kinh Xưa, nơi chuyên bán giày vải đặt may hai đôi mang về. Trên nền gấm màu đen thêu hai bông hoa lựu nhỏ xinh. Hoa lựu là loại hoa bà đỡ thích nhất, cô luôn nhớ hình ảnh bà chỉ tay vào cây hoa lựu ở cổng thôn nói với cô: Cháu xem cây hoa lựu đó nở hoa đẹp chưa, màu đỏ rực may mắn, khi hoa tàn, những quả lựu nhỏ sẽ từ từ lớn dần lên, Vịnh Thanh này, cháu có biết ở thời bà điều này tượng trưng cho cái gì không? Nó tượng trưng cho “con đàn cháu đống” đấy cháu à.

Khi Long Vịnh Thanh mang hai đôi giày vải đến nhà bà, nhìn thấy bà đang chơi với bọn trẻ ở cổng. Ba năm không gặp, tóc của bà đã bạc gần hết, những sợi tóc bạc trắng như cước được chải gọn gàng, bới lên đằng sau đầu, rồi dùng một chiếc trâm bằng đồng sáng loáng cài vào búi tóc. Bà mặc một chiếc áo ngắn tối màu được may theo kiểu thời xưa, nút áo hình bông hoa được kết từ sợi chỉ, chiếc quần màu đen đã bạc màu gần hết, bà khom lưng ngồi trên chiếc ghế nhỏ tỉ mẩn bóc lạc, bóc được hạt nào liền cho vào miệng của em bé ngồi bên cạnh hạt nấy, mấy bé gái xung quanh còn nằng nặc đòi bà kể chuyện. Thế là bà vừa bóc lạc, vừa chậm rãi kể một câu chuyện cũ rích, cô đứng phía sau chăm chú lắng nghe đến khi kết thúc câu chuyện, vừa nghe vừa nhớ đến những chuyện ngày xưa, cô nhớ đến ngẩn cả người, khi bà đỡ ngẩng đầu lên nhìn mà cô còn không phát hiện ra.

“Vịnh Thanh, là Vịnh Thanh con gái nhà ông Long có phải không?” Bà đỡ cầm lấy cây gậy, run run đứng dậy, “Con bé Vịnh Thanh này, cháu về rồi đấy ư? Cháu về thăm bà sao?”

Long Vịnh Thanh nghe thấy giọng nói già nua này, chỉ cảm thấy sống mũi cay cay, suýt nữa thì bật khóc, cô vội vàng hít thở sâu, bước lên phía trước rồi ra sức gật đầu, “Dạ, cháu là Vịnh Thanh, bà ơi, cháu về rồi đây.”

“Con bé này, từ nhỏ đã ương bướng, bước ra khỏi nhà là đi thẳng một mạch, không thèm về luôn, nhà cao cửa rộng gì nữa cũng không bằng nhà cũ của mình đâu cháu, sao cháu lại có thể không về thăm nhà được chứ?” Bà đỡ giơ tay ra, vỗ nhẹ vào mu bàn tay của Long Vịnh Thanh nhắc nhở cô.

Tay của bà đỡ rất gầy, giống như một khúc gỗ mục khô, nhẹ nhàng bóp tay cô làm cô bị đau, cũng giống như bóp vào trái tim cô vậy. Khóe mắt cô đỏ lên, vội vàng quay đầu nhìn sang nơi khác.

Lúc này bà đỡ nhìn thấy Quan Vi Trần đứng bên cạnh cô, mở to đôi mắt đục ngầu lên hỏi: “Đây là anh con trai cả nhà ông Triệu phải không? Lớn thế này rồi cơ à? Nào, vào đây bà xem nào, ở bên ngoài cháu không bắt nạt Vịnh Thanh đấy chứ, đừng quên hồi nhỏ đã hứa cái gì với bà đấy.”

Quan Vi Trần bị gọi nhầm tên, hơi mắc cỡ, vội vàng xua tay, cười nói: “Bà ơi, bà nhầm rồi, cháu là Quan Quan, bà còn nhớ Quan Quan không?”

“Rõ ràng là con trai cả nhà ông Triệu mà, bà làm sao nhớ nhầm được?” Bà đỡ rất tự tin với trí nhớ của mình, không thèm để ý đến lời giải thích của Quan Vi Trần, một bên cầm tay Vi Trần, một bên cầm tay Long Vịnh Thanh, móc gậy vào cổ tay, run run đi vào nhà, “Nào nào nào, vào bên trong ngồi đi, lâu rồi không gặp các cháu, phải ở đây nói chuyện với bà một lúc nhé.”

Long Vịnh Thanh và Quan Vi Trần đành phải theo bà bước vào khu vườn cổ kính kia. Khu vườn đó vẫn giữ dáng vẻ như trong ký ức, gạch xanh ngói trắng, bờ tường được xây bằng đá, giống như một bức tranh lâu năm, dần dần hiện lên trước mắt người xem. Trong khu vườn đã được lát đá này, mặc dù không được bằng phẳng lắm nhưng cũng rất sạch sẽ. Ở góc vườn đằng kia có một cây lựu rất lớn, cây lựu đã héo khô, chỉ tròn trơ lại cành, dưới gốc cây có một bộ bàn ghế bằng đá.

Mọi người ngồi ở bộ bàn ghế đá đó, Long Vịnh Thanh đưa đôi giày vải cho bà, bà đỡ cầm giày đưa tới sát mắt, tỉ mẩn mân mê, vừa sờ vừa cười, cười mãi không thôi, đôi mắt đục ngầu lại nhòe nước, “Đẹp quá, lúc bà và ông kết hôn, ông cũng tặng bà một đôi ý đúc như vậy. Ngày đó nhà rất nghèo, phải chuẩn bị nhiều quần áo mới, ông không có sính lễ, bà cũng chẳng có của hồi môn, mà đi một đôi giày vải thêu hoa, đầu đội khăn đỏ về làm dâu nhà ông đó.”

“Ông Cát hồi đó chắc đẹp trai lắm.” Long Vịnh Thanh nhìn bà đỡ cười, mắt đỏ hoe.

Ông Cát là chồng của bà đỡ, ngày cô còn nhỏ đã thường nghe bà nhắc đến ông, cô chưa gặp bao giờ, bởi vì ông ấy mất trước khi cô chào đời. Nghe nói lúc đó ông Cát làm thuê cho một mỏ than tư nhân, hầm than bị sập, chôn cả ông Cát trong đó, không tìm thấy xác. Sau khi ông Cát mất, bà đỡ vừa khóc vừa đào mỏ than, đào ba ngày ba đêm cũng không tìm thấy, từ lúc đó tóc bà cứ bạc dần. Cũng từ ngày ấy, cây lựu trong vườn cứ ngày một khô héo đi, mấy chục năm rồi, không hề đâm chồi nảy lộc. Ngày xưa mỗi lần nhắc đến ông Cát, bà đỡ liền ngẩng đầu lên nhìn cây lựu khô, lẩm bẩm, “Ông ấy ở trên cây lựu đó, không chịu đi đâu cả, ông đang chờ bà để cùng đi đầu thai.”

Hồi nhỏ không hiểu chuyện, cô thường ngồi dưới gốc cây lựu xưa, hiếu kì hỏi: “Bà ơi, sao bà biết ông Cát đang chờ bà ở đó? Cháu nghe thầy giáo nói, chết là hết, không có đầu thai gì cả, như vậy là không khoa học.”

Mỗi lần nói đến đây, bà đỡ liền trừng mắt nhìn cô, “Thầy giáo cháu thì biết gì mà nói? Bà nói ông ở đây là ông cứ ở đây. Ngày hôm rước bà về làm dâu nhà này, bà hỏi ông, nếu như một trong hai người chết trước, thì đến cầu Nại Hà chờ, chờ người kia đến rồi cùng ăn canh Mạnh Bà[1]. Ông nói, không được, phải đợi ở nhà, một người đi thì cô đơn quá. Cho nên, ông ấy vẫn ở đây, đang đợi bà ở gốc cây lựu. Nếu không, cháu nói xem, cớ gì mà cây lựu cứ héo quắt lại, nhiều năm như vậy rồi mà không hề đâm chồi nảy lộc?”

[1] Cầu Nại Hà, canh Mạnh Bà: Theo sách Phật, cầu Nại Hà ở phía Đông của Diêm Vương Thập Điện (tức mười tầng Địa Ngục). Các linh hồn có tội sẽ bị quỷ sứ điệu đi chịu hình ở các cửa ngục, sau khi đi chịu hình phạt ở các cửa ngục trước, sẽ đưa đến điện Diêm Vương thứ 10, nơi cai quản việc chuyển kiếp đầu thai. Tại điện này có cầu Nại Hà bắc qua sông Vong Xuyên hình cầu vồng, rất trơn. Ven sông Vong Xuyên, có một tảng đá, gọi là Tam Sinh Thạch. Những kẻ giết người, gian ác phải leo qua cầu, dưới sông đầy thuồng luồng, cá sấu; hai đầu cầu lại có bầy chó ngao sẵn sàng cắn xé. Những linh hồn được đi đầu thai trở lại làm người đều phải qua Vong Đài (đài quên), uống canh Quên Lãng của Mạnh Bà để quên hết chuyện kiếp trước. Canh Mạnh Bà khiến người quên đi hết thảy những ân oán của kiếp này; Tam Sinh Thạch ghi lại kiếp trước kiếp này của con người.

Long Vịnh Thanh quả thật không nói được nguyên nhân vì sao.

Nhưng, những truyền thuyết cổ xưa, những lời hứa xưa cũ đó, giống như cơn mưa phùn mùa xuân sau mỗi buổi chiều, rả rích đan vào nhau, đau khổ triền miên, cứ vương vấn trong tim cô từ đầu đến cuối. Khoảng thời gian rất dài sau đó, cô thường xuyên nằm sấp trước khe hở của cánh cửa nhìn trộm bà đỡ, nhìn bà ngẩng đầu ngắm gốc cây khô héo đó, ánh mắt xa xăm, sau đó âm thầm khóc, làm cô cũng cảm thấy buồn, từ đó cô chắc chắn rằng, ông Cát vẫn quả thật vẫn còn đó, ông ngồi trên cây lựu khô đó chờ bà, hai ông bà cùng ngắm nhìn nhau, lặng lẽ bầu bạn với bà vào những buổi chiều nặng nề đó.

Có những việc đau khổ và buồn bã, có những người đã tồn tại rồi ra đi, có người lựa chọn quên đi, nhưng có người lại không bao giờ quên được, cho dù đã bao năm tháng trôi qua vẫn cố chấp sống ở nơi đó, biến chúng thành tín ngưỡng của mình.

Khu vườn này, gốc cây lựu khô héo này chính là tất cả cuộc đời của bà đỡ, là lời hứa của bà và ông Cát, là thứ bà đã cố gìn giữ suốt nửa cuộc đời, không ai có quyền cướp đi cả.

Cho nên Long Vịnh Thanh và Quan Vi Trần ngồi đó suốt cả buổi, cũng không dám khuyên bà ký vào hợp đồng đền bù giải tỏa.

Có lẽ vì nhớ đến quá nhiều chuyện của quá khứ, bước ra khỏi nhà của bà đỡ, người của Long Vịnh Thanh vẫn đang còn run lên. Quan Vi Trần đi bên cạnh, nhẹ nhàng nắm lấy tay cô. Cô quay đầu qua, không thèm để ý gì nữa, khóc ngon lành, giọng nói run run hỏi Vi Trần: “Quan Quan, nhất định phải di dời thôn Long Sơn sao? Quan Quan, em nhất định phải đập phá tất cả mọi thứ ở đây sao? Em cũng thấy rồi đó, nơi đây có tín ngưỡng của bà đỡ, cả đời của bà ấy đều ở nơi đây.”

Quan Vi Trần nắm lấy lòng bàn tay cô, càng nắm càng chặt, nụ cười ẩn giấu sau lớp bụi bặm, cả người giống như phủ lên một lớp sương giá. Anh hỏi vặn lại: “Chị không nỡ từ bỏ tín ngưỡng của bà đỡ, hay là của chính chị? Chị nói đi, Long Vịnh Thanh, rốt cuộc anh ấy tốt đến mức nào, mà có thể làm cho chị nhớ mãi không quên như vậy?”

Anh ấy tốt đến mức nào? “Bây giờ chị vô dụng như thế nào, thì anh ấy tốt như thế ấy.” Long Vịnh Thanh giằng ra khỏi tay Vi Trần, lấy hết sức xô anh một cái, gần như là hét lên: “Dù sao chị cũng không đồng ý di dời thôn Long Sơn, tuyệt đối không đồng ý. Bây giờ chị gọi đến công ty xin nghỉ việc, sau đó ngồi chờ ở nhà, làm cái đinh khó nhổ như bà đỡ, không cho ai nhổ lên cả.”

Hét xong bỏ lại Quan Vi Trần đứng trơ trọi một mình còn mình chạy về một hướng khác.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện