Thần Chiến Triều Trần Quyển 2 - Chương 35: Rồng khí

Vào thời Hùng Vương thứ mười hai, yêu quái ở phương Nam rất nhiều, hoành hành ngang ngược. Hùng Vương và dân tộc Lạc Việt được thừa kế trực tiếp dòng máu rồng, tiên nên trong nước có nhiều người giỏi pháp thuật, đánh dẹp được hết yêu ma, bảo vệ yên bình cho bờ cõi nước Văn Lang(1).

Khi ấy, giáp biên giới với Văn Lang về phía Nam có nước Hồ Tôn, dân nơi đấy ngày đêm khốn khổ vì nạn yêu quái. Vua nước ấy thấy nước Văn Lang nhiều thầy phép tài giỏi lại là trực hệ của loài giống rồng tiên mới cho rằng người tộc Lạc Việt có dòng máu quý, quyết định cử sứ giả sang cầu thân cho hoàng tử Hồ Tôn. Khi đi, sứ giả Hồ Tôn mang theo rất nhiều trân châu, bảo vật làm sính lễ.

Đoàn người nước Hồ Tôn đi mất cả tháng trời ròng rã mới đến Phong Châu, kinh đô của Văn Lang. Vua Hùng là người rất hiếu khách, đem đại lễ thịnh soạn ra tiếp đón đoàn. Yến tiệc chán chê, sứ Hồ Tôn dâng biếu trân châu, bảo vật, lấy cớ kết thân tình bằng hữu. Hùng Vương nghe thế thì vui vẻ nhận hết. Khi ấy, sứ Hồ Tôn mới kể mục đích chính là sang cầu thân, nài nỉ Hùng Vương đáp ứng. Vua Hùng lúc đầu không chịu, nhưng bảo vật đã nhận rồi, lại thấy cuộc sống của dân Hồ Tôn bị yêu quái hành hạ đúng là đau khổ, mới đành động lòng đồng ý. Khi đó, người cháu gái của vua cũng đã vào tuổi cập kê, liền quyết định gả nàng sang nước Hồ Tôn.

Sứ giả Hồ Tôn nghe Hùng Vương đồng ý thì vui mừng khôn xiết, đứng dậy reo hò. Ngay trong hôm ấy đoàn sứ Hồ Tôn xin phép Hùng Vương cho đón dâu, nhanh chóng quay trở về nước. Khi đoàn sứ Hồ Tôn về đến quê hương, vua Hồ Tôn thân chinh ra đón rồi lập tức lên kế hoạch tổ chức đám cưới cho hoàng tử. Đám cưới giữa hoàng tử Hồ Tôn và mỵ nương(2) Văn Lang được tổ chức linh đình, dân Hồ Tôn ăn mừng cả tháng trời không nghỉ. Mỵ nương sống xa xứ thì rất nhớ nhà nhưng cuộc sống ban đầu cũng dễ chịu nên nàng không cảm thấy buồn phiền lắm. Trong khi đó cả nước Hồ Tôn đều ngày đêm trông ngóng mỵ nương có tin vui để họ có được hậu duệ của giống rồng, tiên.

Cuối cùng niềm mong chờ cũng đã đến, mỵ nương hoài thai. Toàn bộ nước Hồ Tôn lại được dịp nhảy múa ăn mừng. Mỵ nương mang thai chín tháng mười ngày đến kỳ sinh nở. Tất cả già, trẻ, lớn, bé tại Hồ Tôn đều mong chờ sinh linh mới ra đời. Tốt nhất là một hoàng tử, không thì là một công chúa cũng không đến nỗi nào.

Ai ngờ đứa trẻ mỵ nương sinh ra không phải hoàng tử, cũng không phải công chúa mà là một quái thai. Quái thai không ra hình người, dặt dẹo được hai hôm thì chết. Cả nước Hồ Tôn khi đấy náo loạn. Đoàn sứ sang Văn Lang khi xưa mới nhớ ra ban đầu Hùng Vương không muốn gả người sang Hồ Tôn. Thế là dân Hồ Tôn quay ra nghi ngờ Hùng Vương lừa dối, không gả dòng dõi rồng, tiên thật. Đúng lúc ấy, hoàng tử Hồ Tôn lại đột ngột bị bệnh qua đời. Vua Hồ Tôn thấy vậy liền nổi cơn giận lôi đình.

Vua hạ lệnh bắt trói mỵ nương, mang đi cho quân lính Hồ Tôn làm nhục. Sau đó bọn chúng tống mỵ nương vào nhà giam, hàng ngày chỉ cho cơm thừa, canh cạn.

Dần dà, người ta cũng quên luôn nàng. Hai năm trôi qua, vào ngày giỗ của hoàng tử, vua Hồ Tôn đột nhiên nhớ tới mỵ nương. Ông ta cho mở cửa phòng giam để xem nàng sống hay chết.

Khi binh lính mở cửa, trước mặt vua Hồ Tôn hiện ra cảnh tượng lạ lùng. Mỵ nương vẫn sống khỏe mạnh, tinh thần tươi tắn, trên tay nàng còn bế một đứa trẻ kháu khỉnh. Thì ra sau khi bị đám lính làm nhục, mỵ nương lại hoài thai. Chín tháng sau sinh ra một bé trai bụ bẫm. Mỵ nương tuy ở trong ngục tối cực kỳ đau khổ nhưng sau khi sinh con, tình yêu của người mẹ trỗi dậy. Nàng cắn răng chịu đựng, chăm bẵm cho đứa bé từng chút một. Tình yêu thương của người mẹ thật kỳ lạ, tuy ở trong chỗ tối tăm mà đứa bé vẫn lớn lên khỏe mạnh, càng ngày càng lém lỉnh. Mỵ nương xa quê hương, đất nước, lại bị tống vào ngục không ai quan tâm, chăm sóc. Mỵ nương vốn rất cô đơn, lạnh lẽo. Tuy thế từ khi đứa con chào đời, nàng đã tìm thấy động lực tinh thần duy nhất, chỗ dựa duy nhất, niềm tin duy nhất, lý do duy nhất để tiếp tục tồn tại.

Vua Hồ Tôn trông thấy mỵ nương vẫn khỏe mạnh, tinh thần thậm chí còn tốt hơn trước. Vua nhìn sang đứa bé lanh lợi, động lòng nghĩ đến con mình. Càng nghĩ đến hoàng tử, nỗi giận dữ của vua càng lớn lên. Cuối cùng không thể kiềm chế được, vua Hồ Tôn để cơn giận dữ chiếm đoạt cơ thể, hạ một mệnh lệnh không thể tha thứ. Đó là bảo đám lính bắt đứa trẻ vứt cho đàn chó xé xác.

Chứng kiến cảnh con mình bị giết hại, mỵ nương nổi điên. Nàng gào lớn như quỷ, bất chấp tất cả lao vào đám lính cào cấu chúng. Đám lính nhanh chóng đẩy nàng trở lại ngục tối, khóa trái cửa. Mỵ nương gào thét ba ngày ba đêm trong ngục, đến ngày thứ tư thì kiệt sức mà chết. Khi vua Hồ Tôn cho mở cửa ngục ra, mỵ nương đã chết ngồi. Mái tóc nàng xõa dài sang hai bên, hai bàn tay rách bươm vì cào tường đá, mắt nàng đẫm máu. Trông bộ dạng nàng còn đáng sợ hơn nữ quỷ.

Vua Hồ Tôn thấy thế thì kinh hồn tởm vía, hạ lệnh cho chặt thi thể mỵ nương ra từng mảnh nhỏ đem vứt khắp nơi cho thú rừng ăn. Bốn mươi chín ngày sau đêm mỵ nương mất, lính gác trong cung đột nhiên nghe thấy vua Hồ Tôn kêu gào thảm thiết. Lúc chúng chạy đến nơi thì vua đã băng hà, mắt trợn ngược.

Linh hồn mỵ nương sau khi giết vua Hồ Tôn trả thù vẫn nặng ân oán, không thể đầu thai được, trải qua vài năm dần hóa thành nữ quỷ. Nữ quỷ oán hận dân Hồ Tôn đã tước đi đứa con của nàng nên tác oai, tác quái, bắt cóc trẻ con Hồ Tôn mà hút linh hồn. Trải qua hơn trăm năm, nước Hồ Tôn bị diệt vong, nữ quỷ tìm lên phía Bắc về lại địa bàn nước Văn Lang quê hương. Tại đây nữ quỷ gặp thêm bốn đồng bọn, tạo thành nhóm Ngũ Quỷ cùng nhau đi gây họa bốn phương.

Nước Văn Lang càng về đời sau dòng máu rồng tiên càng nhạt dần, pháp thuật ngày càng suy giảm. Đến đời Hùng Vương thứ mười sáu thì yêu quái hoành hành dữ dội, đời sống dân Văn Lang cực kỳ điêu đứng. Lúc đấy, toàn bộ nước Văn Lang do Hùng Vương đứng đầu quyết định lập đàn cầu khẩn, thỉnh Bố Rồng từ Bát Hải xa xôi về cứu con cứu cháu.

Lạc Long Quân nghe lời thỉnh cầu, đem theo gươm Phi Long trở về. Yêu quái phương Nam nhanh chóng bị quét sạch. Ngũ Quỷ không nằm ngoài số phận của lũ yêu quái cũng bị Bố Rồng tìm giết. Tuy nhiên, do oán hận của Ngũ Quỷ quá nặng nên chúng không thể bị tiêu diệt mà chỉ bị phong ấn lại. Lạc Long Quân tùy theo tính chất pháp thuật của Ngũ Quỷ mà phong ấn chúng vào từng loài thực vật khác nhau. Nữ quỷ mỵ nương khi xưa bị phong ấn vào một cây liễu.

Trải qua thêm hơn nghìn năm, cây liễu đứng nhìn vận đổi sao dời, chứng kiến Thăng Long từ một làng Long Đỗ nhỏ bé trở thành kinh thành đô hội của cả đất nước Đại Việt. Nữ quỷ cứ tưởng mình mãi mãi làm cây liễu như vậy thì đột nhiên phong ấn được gỡ bỏ.

* * * * *

Đạo Thậm lạnh lùng nhìn nữ quỷ trước mặt. Dưới chân lão, quân Thánh Dực nằm lăn lóc. Nữ quỷ dáng dong dỏng cao, tóc xõa tung che gần kín người. Xung quanh nữ quỷ, lá bay, gió thổi, mưa rơi cuốn lại thành cơn lốc nhỏ.

- Yêu quái chớ lộng hành! - Đạo Thậm cất tiếng, không to, không nhỏ, rõ ràng từng từ một. Nói chưa hết câu lão đã rút từ trong ống tay áo ra một thanh gươm gỗ.

- Càn Khôn Thâu Nhiếp Kiếm(3)! - Đạo Thậm hô lớn rồi xoay nhẹ gươm, vạch trong không khí một vòng tròn Âm Dương. - Sơ Cửu Càn, Tiềm Long Vật Dụng(4)! Chiêu thức đầu tiên của Càn Khôn Kiếm Pháp phóng ra không quá mạnh mẽ, không quá tốc độ nhưng lại bao phủ hết toàn bộ không gian xung quanh. Trong cái bình thường, đơn giản lại ẩn chứa hiểm họa khôn lường. Càn Khôn Kiếm Pháp dựa trên hai quẻ Càn(5) và Khôn(6) của Kinh Dịch. Đây là bộ kiếm pháp cơ bản của quán Thái Thanh, bất kỳ đồ đệ nào trong quán đều biết. Tuy thế, để thực sự phát huy tối đa uy lực của bộ kiếm pháp này thì chắc chỉ có mình Thái Thanh sư tổ.

- Trấn! - Đạo Thậm lạnh lùng nói.

Một chiếc lồng khí khổng lồ từ trên cao chụp xuống đầu nữ quỷ. Nữ quỷ vẫn bình thản như không. Khi chiếc lồng chụp xuống gần đến nơi, nữ quỷ đột nhiên rít lên chói tai. Lá, mưa, gió quay càng lúc càng nhanh, tạo thành một cơn lốc xoáy đánh thẳng vào lồng khí. Chỉ nghe tiếng nổ đanh gọn trên không, chiêu đầu tiên của Càn Khôn Kiếm Pháp đã bị tiếng thét của nữ quỷ hóa giải hoàn toàn. Đạo Thậm thấy chiêu thức của mình bị phá vẫn điềm nhiên như không, cất tiếng quát:

- Khá khen yêu quái nhà ngươi cũng có chút đạo hạnh. Xem ra ta phải thực sự ra tay rồi!

Đạo Thậm nói xong liền rút ra một lá bùa vàng từ ống tay áo. Lão tung bùa lên không, lá bùa lượn quanh một vòng rồi quay lại dính chặt vào lưỡi gươm gỗ.

- Hóa Long! - Đạo Thậm hô lớn, lá bùa trên lưỡi gươm bốc cháy ngùn ngụt. Không khí đột nhiên nóng bỏng, cô đặc lại.

Nhật Duật đứng gần đấy mặc dù đã vận huyền lực bảo vệ toàn thân mà vẫn thấy ngộp thở.

- Cửu Nhị Càn, Hiện Long Tại Điền(7)!

Đạo Thậm vung gươm gỗ lên, từ dưới đất khí bỗng bốc lên ầm ầm tụ lại thành hình rồng. Rồng khí to dần ra, không khác gì rồng thật. Con rồng bất chợt quẫy đuôi, đạp chân, bay quanh sân ép cho mọi người ngạt thở.

- Xuất! - Đạo Thậm hô lớn.

Chiêu thứ hai của Càn Khôn Kiếm Pháp vốn uy lực không khác mấy so với chiêu đầu nhưng vì Đạo Thậm đã dùng thêm bùa chú biến ra rồng khí nên giờ đây chiêu này thật sự có khả năng bạt núi ngăn sông.

- Lão sư tổ, người định đánh sập cả sảnh Phi Y ư? - Nhật Duật thấy thế thì lo lắng hét to. Con rồng khí đang gây ra một trận bão lớn, quả thật có thể khiến cho cả khu nhà đổ sụp bất kỳ lúc nào.

- Đức ông yên tâm, khí của tôi là vô vi(8), thuận với tự nhiên. Các người chỉ cần không phải kẻ địch thì không lo bị nó làm tổn hại.

Đạo Thậm nói mà động tác không hề chậm lại, gươm giơ lên chỉ thẳng hướng nữ quỷ. Rồng khí cuộn mình, quẫy đuôi, nhằm nữ quỷ lao tới. Gió rít lên chói tai thay cho tiếng rồng ngâm.

Nữ quỷ thấy tình thế trước mặt thì không thể thản nhiên được nữa. Thị gào lên một tiếng, mái tóc dài xõa tung ra, bay ngợp trời tạo thành đám mây xanh khổng lồ. Con rồng khí càng quẫy càng lớn, càng quẫy càng mạnh, khi áp sát nữ quỷ thì miệng nó đã to hơn nửa người thị. Con rồng gầm lên, há miệng đớp lấy nữ quỷ. Mái tóc nữ quỷ chụm lại, tạo thành chiếc khiên xanh chống lại đòn tấn công của con rồng.

* * * * *

* Chú thích:

(1) Văn Lang: Tức tên nước Đại Việt thời các Hùng Vương trị vì.

(2) Mỵ nương: Tức công chúa theo cách gọi của người Lạc Việt xưa.

(3) Càn Khôn Thâu Nhiếp Kiếm: là bộ kiếm pháp cơ bản của quán Thái Thanh mô phỏng theo quẻ Thuần Càn và Thuần Khôn trong Kinh Dịch, đại ý bao trọn đất trời trong một bộ kiếm.

(4) Tiềm Long Vật Dụng: là hào sở cửu (đầu tiên) của quẻ Thuần Càn, có nghĩa rồng còn ẩn náu, chưa đem tài ra dùng được;

(5) Quẻ Càn: trong Kinh Dịch tượng trưng cho trời;

(6) Quẻ Khôn: trong Kinh Dịch tượng trưng cho đất;

(7) Hiện Long Tại Điền: là hào cửu nhị (thứ hai) của quẻ Thuần Càn, có ý nghĩa rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi.

(8) Vô vi: Là một từ của Đạo Giáo, hiểu nôm na có nghĩa là thuận với trời đất.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện