Hoa Đã Tàn! Tuyết Cũng Tan (Trọn Kiếp Yêu Người) Chương 15: Dương Thế Không Chờ Được, Ta Hứa Đợi Người Tại Vong Xuyên (1)

Nàng từ khi sinh ra đã một thân cô nhi không cha không mẹ, lớn lên nơi xó chợ tận cùng thấp hèn. Ngày bé cũng nhờ thường đi ăn cắp vặt của dân làng mới tạm bợ qua từng ngày. Cuộc đời làm trộm cướp ngày đó cũng quá vất vả, không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm nàng khoảng bảy, tám tuổi những khi đi trộm vặt mà bị người ta bắt được thế là cũng lãnh no đòn. Vậy mà, cho dù bị đập cho tơi tả nàng cũng quyết nhét hết thức ăn trộm được vào miệng, nuốt xong rồi lại trơ mặt ra đó, mặc cho họ đánh đến mệt sẽ tự khắc không đánh nữa. Đối với nha đầu là nàng khi ấy chỉ cần ăn no thì bị đánh nàng cũng cam lòng.

Lớn lên khi những nữ nhân bằng tuổi khác ai cũng điểm tô son phấn, váy áo lụa là trên người, nếu không có ít nhất cũng được sống cho ra dáng nữ nhân. Còn nàng khắp người đều là những vết thâm tím, mặt mũi lấm lem đầy đất cát. Mười mấy năm đều sống cảnh bần hàn đến một cái tên nàng còn không có. Nữ nhân ấy cô độc một mình, tứ cố vô thân, từ nhỏ lại không được nuôi nấng, dạy dỗ nên ngoại trừ tự cố gắng nuôi thân nàng chẳng còn cách nào khác. Nàng trở thành đạo tặc, lưu lạc tha phương.

Trong lần nàng đến kinh thành, vừa mới đặt chân đã để tâm đến phủ đệ lớn nhất tại đây. Không hề do dự ngay trong đêm đó nàng lập tức hành động. Tưởng rằng vạn sự thuận lợi, ai mà ngờ rằng đây lại là dinh phủ của Ngũ Vương gia- Trần Yên Thành- đệ đệ thân cận nhất của Hoàng thượng. Nói cách khác đây là nơi có vào được cũng đừng mong trở ra. Nàng bị đánh ngã xuống hoa viên, liền ngay sau đó gươm giáo chĩa thẳng vào người nàng không một kẻ hở. Trong đêm tối đen như mực nhờ một chút ánh trăng nàng nhìn thấy một nam nhân khí chất cao quý thâm trầm đưa mắt quan sát nàng. Trước lúc người đó quay lưng có ra lệnh:

"Đem nhốt lại vài ngày trước. Không cần dụng hình."

Quả thật là không có dùng hình tra khảo như nàng vẫn nghĩ, người ta vẫn cho nàng cơm nước đầy đủ. Nàng không hiểu, tại sao đi ăn trộm đã không thành mà còn được lợi. Lần đó có người mang cơm tới, nữ tử tội nghiệp đưa mắt nhìn trong chờ mong. Ai nói sao cũng được, nàng đói thì cần cơm ăn, đâu ai hiểu cuộc sống không có nổi miếng cơm qua ngày của nàng khi xưa. Nhìn nàng ngấu nghiến ăn, hắn ta khinh bỉ nói:

"May cho ngươi vì Ngũ Vương gia rất nhân hậu, đã không dùng hình tra khảo còn cho ngươi cơm no. Gặp người khác chắc ngươi đã chết từ đời nào rồi."

Nàng ngừng ăn đưa mắt nhìn tên lính canh, không hiểu lời hắn nói. Trên đời này còn có người tốt như vậy? Nàng không tin. Nếu ngày đó có người như vậy nàng cũng không trở thành đạo tặc như hôm nay. Dù vậy nàng vẫn muốn biết thật ra cái người được gọi là Ngũ Vương gia đó có gì mà được người người ca tụng.

Đêm đó, một đêm Trung thu mà nhà nhà đều đoàn viên trong không khí ấm áp, chỉ có nàng là đưa mắt nhìn vầng trăng sáng qua khung cửa nhỏ của nhà lao. Cuộc đời vốn nghĩ sẽ đơn độc mãi như vậy thì người ấy đã đến. Cửa nhà lao được mở ra. Nam nhân tuấn mỹ ấy mặc lam y trông dịu dàng như nước dưới ánh trăng. Chàng ngồi xuống bên cạnh nàng, cất giọng:

"Ngươi là nữ nhân?"

Nàng gật đầu. Người ấy nhìn nàng thương xót:

"Phải đến bước đường nào một nữ nhân mới không được sống đúng thân phận của mình? Lại còn phải đi làm đạo tặc."

Chàng rút từ trong tay áo ra chiếc khăn, nâng gương mặt cô gái nhỏ đang là tù nhân ấy lên, cẩn thận lau đi đất cát trên đó. Còn nàng chỉ biết ngây ngốc nhìn từng cử chỉ dịu dàng của người. Lau xong, đến chàng cũng phải bất ngờ, nữ nhân trước mặt người bây giờ xinh đẹp hơn bất cứ cô nương nào mà chàng đã từng gặp qua, ở nàng có sự thuần khiết mà những cô nương kia không hề có. Chàng hỏi:

"Ngươi có muốn ở lại đây không? Ở lại đây rồi sau này không phải tiếp tục đi trộm cắp nữa."

Nàng vẫn tròn mắt nhìn người ấy, cho đến bây giờ nàng vẫn chưa tin những lời người ấy nói là thật. Từ khi nàng sinh ra bị ruồng bỏ, xua đuổi, đánh đập, nàng đã không còn tin bất cứ ai trên đời nữa. Thế nhưng người trước mặt nàng đây lại làm nàng cảm giác ấm áp hơn bao giờ hết. Người ấy nhất mực dịu dàng lại không hề chê bai nàng thấp hèn. Chàng nhìn nàng, ôn nhu nói tiếp:

"Ta tên là Trần Yên Thành. Còn ngươi?"

Nàng chỉ biết lắc đầu:

"Ta... ta không có... không có tên."

Rồi nàng cảm nhận được ấp ám nơi bàn tay ai, chàng đặt tay lên đầu nàng. Một cái xoa đầu ấm áp đến tận tâm can:

"Nếu ngươi chấp nhận cái tên ta đặt có nghĩa là chấp nhận ở lại đây. Còn nếu như không đồng ý thì ngay bây giờ ta sẽ trả tự do cho ngươi."

Chàng trầm ngâm suy nghĩ, nhìn vầng trăng sáng bên ngoài rồi gọi ra một cái tên thật êm tai:

"Vọng Nguyệt... ngươi thấy sao?"

Nàng lẩm nhẩm rất nhiều lần trong đầu 'Vọng Nguyệt... Vọng Nguyệt...' vậy là từ bây giờ nàng đã có tên. Nàng tên là Vọng Nguyệt, còn người ấy gọi là Trần Yên Thành.

Chàng đã đến như vậy, dịu dàng mà ấm áp.

Nhìn chàng ôn nhu như vậy không ai nghĩ chàng lại là võ tướng, mà còn là tướng quân tài ba nhất luôn được Hoàng thượng tin tưởng giao phó những trọng trách quan trọng. Chàng ân cần dạy Vọng Nguyệt biết chữ, nhất mực muốn nàng trở thành một nữ nhân đúng nghĩa, thế nhưng nàng chỉ muốn được kề cận bên chàng. Nàng xin chàng cho nàng theo học võ công, muốn trở thành tôi tớ thân cận nhất bên chàng. Do nàng kiên quyết quá chàng cũng đành chiều theo, võ công của nàng là do chính chàng chỉ dạy. Nàng nghĩ dù chỉ được trở thành công cụ với chàng cũng được miễn là chàng đừng vứt bỏ nàng.

Chiến sự năm đó Trần Yên Thành tướng quân lại được lệnh dẫn binh đi chinh phạt, cuộc chiến lần này có ý nghĩa rất lớn đối với đất nước và cả Yên Thành chàng. Ngày Hoàng thượng triệu kiến và ra lệnh cho chàng dẫn binh, như đã biết trước, chàng tuân mệnh nhưng lại kèm theo đó là một điều kiện:

"Đệ biết chiến sự lần này đối với hoàng huynh có ý nghĩa bình định và mở rộng lãnh thổ. Cho nên nếu lần này đại thắng trở về mong huynh cho đệ được từ chức, không tham gia vào chiến sự cũng như việc triều chính nữa."

Hoàng thượng nghe thỉnh cầu thì rất bất ngờ, còn chàng chỉ đưa ra một lí do đơn giản:

"Dù là quan trường hay chiến trường cũng đều quá nguy hiểm đối với nữ nhân đó. Ngày nào đệ còn mang thân phận này nữ nhân ấy sẽ không ngần ngại hy sinh bản thân vì đệ. Xin hoàng huynh hiểu cho."

Chàng biết nữ nhân ngốc đó từ khi sinh ra đã sống cuộc đời bất hạnh hơn bao người, chính vì vậy mà chàng muốn sau này cho nữ nhân đó cuộc đời bình an hạnh phúc trong khả năng của chàng.

Ngày chàng đi không có nữ nhân ngốc của chàng ra tiễn, bởi vì đêm trước đó chàng đã cho nàng uống thuốc mê, chắc phải vài canh giờ sau khi chàng đi nàng mới tỉnh lại. Chàng an bày một cách chu toàn nhất cho nữ nhân ấy.

Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, chàng đi hơn nửa năm mà vẫn bặt vô âm tín. Bức thư chàng để lại đã bị nhào nát không biết bao nhiêu lần, vì mỗi lần đọc lại nàng không thể cầm được dòng nước mắt. Nét chữ cứng cáp của chàng giờ đây lại trở thành nỗi đau thấu tận tâm can nàng.

'Nữ nhân ngốc! Ta biết nàng rất cứng đầu, nếu như nàng tỉnh dậy mà không nhìn thấy ta chắc chắn nàng sẽ lại đuổi theo ta ra tận chiến trường. Nhưng mà lần này xem như là vì ta được chứ? Đừng đi. Chỉ cần ngoan ngoãn ở nhà chờ ngày ta trở về. Hoàng huynh cũng đã chấp thuận yêu cầu của ta rồi, đợi ta trở về rồi sẽ nói cho nàng biết. Còn nữa, nhớ không được khóc. Vì nàng quá ngốc nên điều này ta phải căn dặn mới an tâm. Chắc chắn ta sẽ về. Chờ ta.'

Chính chàng đã hứa thế mà lần này lại không giữ lời. Một năm sau, cuối cùng tin thắng trận cũng được đưa về, chiến thắng năm đó Trần Yên Thành tướng quân trở thành cái tên được người đời ca tụng, vậy mà người thì không về được nữa.

Chàng đâu rồi? Chàng đã hứa sẽ trở về mà, chỉ cần nàng ngoan ngoãn đợi. Lần này nàng đâu có cứng đầu cãi lời chàng đâu, ngày nào nàng cũng ở phủ đệ chờ chàng. Nàng còn học nấu ăn cũng vì đợi ngày chàng khải hoàn trở về. Vậy mà chàng đâu rồi? Rõ ràng chàng biết nàng rất ngốc thế vì sao chàng lại bảo nàng đợi? Chàng bảo nàng đợi, nàng ngu ngốc đợi cả một đời. Ngày ấy, nàng mặc bạch y- màu mà ngày đó chàng bảo nàng mặc là đẹp nhất. Ngày ấy, nàng nằm trên giường gọi mãi cái tên Yên Thành. Ngày ấy, nàng thổ huyết, màu máu đỏ loang lổ trên nền trắng nhưng trên môi lại mỉm cười:

"Lần này ta đến gặp chàng. Chàng không giận chứ?"
*****

Rất, rất lâu về sau đó, bên bờ sông Vong Xuyên chợt xuất hiện bóng dáng một nữ tử. Nàng mặc bạch y nhưng trên người lại loang đỏ một màu đau thương - máu. Nàng đứng trên đồng bỉ ngạn mắt buồn đau đáu trông về xa xăm. Diêm đế đã từng hỏi sao nàng kiên quyết không đi đầu thai. Nàng cất giọng dịu dàng không một lời oán trách:

"Người ấy từng bảo tôi nhất định phải đợi người. Tôi đã không thể đợi người trên dương thế, bây giờ tôi chỉ còn có thể đợi người ấy bên bờ Vong Xuyên này."
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện