Đức Phật Và Nàng Chương 72: Lần đầu tranh cãi

Tôi khoác tải gạo lên vai, rời khỏi nhà Mông Tốn. Ngày mùng tám Tết, tuyết đã thôi rơi, tuyết đóng băng tan ra, men theo mái ngói tí tách rơi xuống mặt đất. Tôi nhìn nên trời sáng sủa hiếm hoi ấy, lòng thầm hỏi: mùa đông nghiệt ngã sắp kết thúc rồi ư? Hô Diên Bình chờ tôi ngoài cổng chính như thường lệ, tạm thời xua đi những phiền muộn trong lòng, tôi rảo bước về phía anh ta.

Bỗng từ góc phố xuất hiện một bóng dáng cao gầy, vẻ đĩnh đạc, nghiêm nghị của người ấy khiến tôi đứng tim, toàn thân đông cứng. Tôi nhìn sang Hô Diên Bình, anh ta lắc đầu ảo não: - Phu nhân, pháp sư đã nghi ngờ từ lâu… Tôi cười buồn, cũng phải thôi. Hô Diên Bình ứng phó sao nổi với những câu truy vấn của Rajiva. Tôi trao tải gạo cho Hô Diên Bình và bảo anh ta về trước, còn bản thân thì bội phần bối rối khi phải đối diện với Rajiva. Chàng dắt tôi đến cuối một ngõ vắng, nhìn sâu vào mắt tôi, ánh mắt thánh khiết như nhìn thấu tâm gan người khác ấy khiến tôi rùng mình.

- Vì sao Thư Cừ Mông Tốn lại cho nàng lương thực? Vẻ mặt chàng hơi biến sắc, giọng nói nghiêm nghị.

Tôi không biết trả lời ra sao, ấp úng đáp:

- Dạ… thì… ông ta mời em làm gia sư…

- Làm gia sư cho ai? Ông ta mới chỉ có một cậu con trai chưa đầy tuổi kia mà. Ánh mắt dò xét sắc lạnh, câu hỏi chất vấn dồn dập:

- Nàng dạy Mông Tốn những gì?

- Dạy… lịch sử…

- Ông ta làu thông kinh sử, còn cần nàng dạy ư?

Chàng ngắt lời tôi, giọng đầy bức xúc:

- Ngải Tình, có phải nàng đã tiết lộ tương lai của Mông Tốn, để đổi lấy lương thực?

- Em…

Chàng vừa bực bội, vừa lo lắng, chau mày giận dữ, cao giọng:

- Nàng quên lời ta căn dặn rồi ư? Những kẻ ác bá đó một khi biết nàng có khả năng dự đoán tương lai, sẽ tìm mọi cách khống chế và lợi dụng nàng, đến lúc đó, nàng sẽ rất nguy hiểm.

Tôi thầm than thở, tôi quên rằng trước mặt chàng, tôi chẳng bao nói dối được, chi bằng cứ nói ra sự thật cho lòng được nhẹ nhõm đôi chút. Tôi thở dài:

- Em không tiết lộ tương lai của ông ta, em chỉ dạy ông ta về thuật trị dân, những tri thức mà ông ta đam mê nhất.

- Thuật trị dân?

Đôi mày thanh tú đã nhíu lại sâu hơn, ánh mắt sắc lẹm chiếu về phía tôi: - Thư Cừ Mông Tốn chắc chắn không có hứng với những triết lý về nhân nghĩa và đạo đức.

- Đúng, ông ta không hề thích những thứ đó.

Tôi ngước lên nhìn chàng, thấy mình bình tĩnh hơn nhiều, cay đắng kể tiếp:

- Vì vậy, cuốn sách mà em giảng cho ông ta là cuốn “Quân vương” của một người tên gọi Machiavelli viết vào khoảng một nghìn năm sau. Tư tưởng chính của ông ấy là: đặt quyền lực cao hơn đạo đức; có thể bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích; thông thạo các mánh khóe, chiêu bài; xem trọng hiệu quả, và luôn tin rằng kết quả sẽ giúp biện hộ cho thủ đoạn.

- Ngải Tình!

Chàng hốt hoảng kêu lên, cảnh giác quan sát xung quanh, hạ thấp giọng, trách móc:

- Sao nàng lại truyền giảng cho ông ta những thứ đó? Ông ta vốn là kẻ đầy dã tâm, nghe theo lời nàng, sẽ ngày càng táo tợn và tồi tệ hơn.

- Em biết, em đang góp một tay vào việc hun đúc nên một kẻ ác bá, bạo ngược.

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt trong suốt, thánh thiện của Rajiva, cười xót xa:

- Chàng có muốn biết, hàng ngày em giảng những gì cho ông ta không? Ngửa mặt nhìn trời, quầng sáng khi nãy đã tắt, bầu trời chuyển sang màu u ám. Tôi ngao ngán cúi đầu, chưa bao giờ tôi căm ghét mùa đông đằng đẵng này như bây giờ.

- Để đạt được mục đích, đôi lúc đấng quân vương có thể sử dụng thủ đoạn bỉ ổi, tàn độc, nhưng sau đó tuyệt không được tái phạm. Cần đánh giá chính xách những tổn hại tất yếu do việc sử dụng thủ đoạn xấu kia mang lại, đồng thời, thực hiện thủ đoạn một cách triệt để, dứt điểm để bản thân không còn phải gây tội thêm nhiều lần nữa. Như thế, quân vương có thể giữ yên lòng dân, nếu sau đó biết ban bố ân huệ, quân vương sẽ được lòng dân.

Tôi chậm rãi thuật lại nội dung bài giảng hôm nay với tiêu đề: Đấng quân vương sử dụng thủ đoạn như thế nào? Còn nhớ, lúc tôi giảng những lý luận này, cặp mắt chim ưng của Mông Tốn sáng lên bất ngờ, vẻ hào hứng chẳng thể che giấu, tràn ra ngoài mặt. Chương sách này quá ư hợp khẩu vị của anh ta.

Mười một năm sau, Thốc Phát Ô Cô, người Tiên Tì ở Hà Tây cát cứ, xưng vương, Lữ Quang cử ông bác La Cừu của Mông Tốn đi dẹp loạn, nhưng ông ta đã thua trận. Lữ Quang nổi giận lôi đình, ra lệnh chém đầu La Cừu. Mông Tốn đưa linh cữu của người bác trở về quê nhà ở Lô Thủy, kết tội Lữ Quang là kẻ bạo ngược, vô đạo. Anh ta viện cớ đó, dựng cờ khởi nghĩa, chỉ trong mười ngày đã tập hợp được hàng vạn người, nhưng lực lượng vẫn chưa đủ mạnh. Người anh họ Nam Thành của Mông Tốn vây thành Kiến Khang, thái thú Kiến Khang khi ấy là Đoàn Nghiệp. Hai bên không phân thắng bại. Nam Thành lập mưu đưa Đoàn Nghiệp lên làm vua. Đoàn Nghiệp quyết định mở cổng thành chính thức trở thành vị vua đầu tiên của nhà Bắc Lương.

Vào thời điểm đó, so với người anh họ Nam Thành đức cao vọng trọng, uy danh lẫy lừng trong bộ tộc, xét về mọi phương diện Mông Tốn đều thua kém. Bởi vậy, nếu muốn chiến lấy ngai vàng, địch thủ cần trừ bỏ số một của Mông Tốn không phải là Đoàn Nghiệp mà chính là ông anh họ Nam Thành, nên Mông Tốn đã liều lĩnh thực hiện kế li gián thâm độc. Anh ta hẹn Nam Thành cùng đến núi Lan Môn cùng tế tổ tiên, sau đó tố cáo với Đoàn Nghiệp rằng Nam Thành muốn làm phản. Nếu Nam Thành đến núi Lan Môn cúng tế, thì đó chính là bằng chứng của kế hoạch làm phản ấy. Đoàn Nghiệp quả nhiên đã mắc mưu, giết chết Nam Thành. Trước khi chết bởi tay Mông Tốn, Đoàn Nghiệp mới nhận ra bộ mặt xảo quyệt của anh ta.

Phải nghe đoạn sử đầy mưu mô xảo trá và tàn độc ấy, Rajiva nhắm nghiền mắt, lắc đầu. Lúc chàng mở mắt ra, đôi mày chau lại, vẻ đau khổ hằn hiện:

- Ngải Tình, đó là cuốn sách chứa đầy tội nghiệt, sao nàng có thể truyền dạy cho loại người như Mông Tốn? Nàng từng nói rằng, ngày sau ông ta sẽ hãm hại anh em của mình để tranh đoạt vương vị, nhưng rất có thể, chính vì những bài giảng của nàng mà về sau ông ta đã hành động như vậy. Tội ác tày trời ấy, có một phần trách nhiện từ phía nàng, như thế là gây nên nghiệp chướng đó!

Tôi cắn chặt môi, nhìn thẳng vào đôi đồng tử màu xám nhạt đang hốt hoảng, buồn bã đáp:

- Em biết, nhưng em sẽ không biện hộ cho bản thân, em sẽ không nói rằng, lịch sử tất yêu phải diễn ra như vậy. Em cũng không viện cớ rằng sở dĩ em làm vậy là vì sự sống của chàng và mọi người. Chàng không cần phải cảm thấy ân hận vì đã ăn số lương thực đó, cũng không cần phải học theo Bá Di và Thúc Tề “quyết không ăn thóc nhà Chu”, hãy để em gánh chịu mọi hậu quả và sự trừng phạt…

- Ngải Tình!

Chàng ôm tôi vào lòng, đặt tay lên môi tôi. Bàn tay chàng giá lạnh, ngón tay thon dài lỗ chỗ những vết nứt nẻ do giá rét, trong gió rét căm căm, chúng se lại thành những vệt sần sùi màu xám.

Chàng thở dài ảo não, không tiếp tục trách móc tôi nữa, ánh mắt đầy yêu thương, khẽ thì thầm bên tai tôi:

- Từ ngày mai, đừng đến đó nữa…

Tay chàng vẫn chặn trên môi tôi, tôi nhìn sâu vào mắt chàng, khẽ lắc đầu. Chàng buông tay ra, nhìn tôi kinh ngạc.

- Rajiva, ngày mai, ngày kia, ngày kìa, em sẽ vẫn đến đó. Bởi vì, đó là cách duy nhất em giúp được chàng. Nhà mình không còn gì để bán nữa…

Tôi hít một hơi thật sâu, mặc nước mắt tràn mi, nhìn chàng, khóe môi run run vì tôi sắp nói ra những lời đã kìm nén bấy lâu: - Rajiva, có khi nào chàng tự hỏi, vì sao chúng ta không được ăn no mỗi ngày? Vì sao em phải truyền giảng thuật trị dân, thứ lý thuyết mà chàng hoàn toàn không tán đồng ấy cho Mông Tốn?

Tôi thở ra khó khăn, cổ họng đau rát, nghẹn ngào:

- Bởi vì chúng ta cưu mang những hơn hai trăm con người, chúng ta phải chia khẩu phần của mình thành hai trăm phần. Nếu không có họ, chúng ta hoàn toàn có thể ung dung cơm no áo ấm vượt qua mùa đông này.

Những giọt lệ dồn đọng trong khóe mắt chàng, từ trong đáy mắt ấy, những tia sáng lấp lánh vẫn chiếu ra như muốn thiêu đốt người đối diện. Hai tay chàng đỡ lấy vai tôi, giọng nói run rẩy, từng chữ từng chữ thốt lên đầy khó khăn:

- Ngải Tình, nàng hối hận ư?

Một giọt tuyết tan len theo mái ngói, nhỏ xuống cổ tôi, lạnh thấu xương, lạnh vào tận tâm can. Giọng nói đột ngột vút cao vì mất tự chủ và còn vì muốn trút bỏ mọi nỗi niềm:

- Nếu em không phải vợ chàng, chắc chắn em không có đủ dũng khí để bao bọc họ. Rajiva, em ích kỷ hơn chàng rất nhiều. Thời đại của em dạy em rằng, con người ta sống trước hết phải vì mình. Em không vĩ đại như chàng. Khi mà bản thân cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, em không thể nghĩ tới việc cứu giúp những người hoàn toàn xa lạ. Em giúp đỡ những người này, không phải xuất phát từ lòng nhân từ gì cả. Có thể lúc bình thường em sẽ vui lòng làm vậy, nhưng khi lâm vào hoàn cảnh đói khát, em vẫn phải nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn.

Tôi cắn chặt môi, để cơn đau giữ cho tôi được tỉnh táo đôi chút. Tôi thoát ra khỏi đôi tay chàng, tạo một khoảng cách nhất định, cười mỉa mai, chua xót:

- Chàng rất kinh ngạc phải không? Kinh ngạc vì không ngờ, người vợ mà chàng đã khổ sở vượt qua mọi gian khó để được chung sống cùng lại là kẻ ích kỷ, hẹp hòi, đáng sợ đến vậy, phải không?

Tôi gạt sang bên cánh tay chàng đang muốn đưa về phía tôi, lùi lại phía sau một bước, tôi gần như gào lên:

- Vào cái ngày bụng dạ cồn cào tưởng chừng không chịu nổi vì đói, em từng oán trách chàng, trách chàng đã giữ họ lại. Nhưng trách cứ hoàn trách cứ, em không thể nhẫn tâm đẩy hơn hai trăm con người ấy ra ngoài đường. Vì bước qua cánh cổng nhà mình, họ sẽ chết chắc. Nhưng nếu không để họ đi, lẽ nào chúng ta sẽ chết đói cùng họ?

Cơn gió mang theo cái lạnh buốt sắc của mùa đông thổi bay đám rác rưởi bên lề đường, cuốn lên không trung, quét qua hai chúng tôi. Vệt sáng hiếm hoi phía chân trời đã bị mây đen che khuất, nên trời lại trở về với sắc màu u ám đến ngột ngạt. Trong con ngõ nhỏ thanh vắng, chỉ có tiếng tôi đang gào thét, đang trút giận, âm thanh ấy dội lên bức tường gạch màu nâu những cung bậc thê lương.

- Em luôn một lòng muốn giúp chàng, chưa bao giờ oán thán nửa lời, bởi vì em yêu chàng, yêu chàng tới mức, em sẵn sàng cùng chàng đối mặt với đói khát, nhất quyết không trở về thời đại của mình. Chàng muốn họ ở lại, chàng muốn họ được sống. Được thôi, vậy thì em sẽ giúp chàng đạt được mục tiêu đó bằng mọi cách. Em cũng là một tín đồ của Machiavelli, bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích, mục đích của em ở đây là: tiếp tục sống. Thay đổi lịch sử thì đã sao? Chàng có chấp nhận hay không thì đã sao? Những điều này chẳng thể ngăn trở mong muốn của em, rằng bản thân sẽ tiếp tục sống và chàng sẽ tiếp tục sống…

- Ngải Tình, nàng…

Không chịu nỗi phải chứng kiến nỗi đớn đau tột cùng và sự chấn động mãnh liệt dâng lên trong mắt chàng, tôi lạnh lùng quay gót, bước về nhà. Đi được một đoạn thì nghe có tiếng bước chân lạo xạo phía sau, tôi biết đó là chàng, liền cắn môi, sải bước nhanh hơn. Chàng vẫn theo sát phía sau tôi, chỉ yên lặng không nói. Tiếng bước chân chầm chậm, nặng nề, tựa như chiếc búa sắt gõ động tâm can tôi. Nước mắt lã chã, tôi lấy tay gạt đi, lồng ngực căng ra và hít vào thật sâu, thật đầy luồng không khí buốt lạnh. Lúc này, hãy cho tôi được giải tỏa căng thẳng một lần. Nếu không, tôi sẽ không chịu nổi nữa. Không biết tôi còn có thể chịu đựng được bao lâu nữa…

Hai chúng tôi cứ thế lặng lẽ trở về nhà. Buổi tối, khi đi ngủ, chàng vẫn ôm tôi như mọi ngày, nhưng hoàn toàn im lặng. Ngày hôm sau, chàng sắp xếp để các đệ tử ra phố khất thực, còn mình thì ở nhà, lặng lẽ quan sát tôi. Bước ra khỏi cổng chính, tôi cảm nhận được ánh mắt bi thương ấy đang ở phía sau mình, cảm giác đó, tựa như một thanh kiếm sắc đang cắt nhỏ trái tim tôi. Tôi hít một hơi thật sâu, cắn chặt môi, kiên quyết không quay đầu lại.

Hôm đó, Hô Diên Bình đến đón tôi và cõng gạo về. Rajiva cả ngày ở nhà, trầm ngâm không nói năng, ánh mắt buồn bã không ngừng dõi theo tôi. Hôm đó, chúng tôi không ai nói với ai lời nào, mọi người trong nhà nhận ra sự bất thường đó, ai cũng kiệm lời và đi ngủ sớm.

Trước khi đi ngủ, tôi không quên bôi thuốc vào vết thương trên tay chàng. Tận dụng ánh sáng bàng bạc của vầng trăng treo ngoài cửa sổ, tôi đưa mắt sát vào vết thương của chàng, kiểm tra. Sắp lành rồi, chỉ cần chịu khó bôi thêm vài ngày là sẽ ổn. Ngẩng đầu lên, bắt gặp ánh mắt yêu thương của chàng, chàng hé môi chừng như định nói gì, nhưng tôi đã quay mặt đi, đặt tay chàng xuống, đứng lên, bước về phía chiếc giường. Vùi mình trong chăn, nghiêng người về phía tường, thu mình vào một góc.

Chàng lên giường, nằm xuống cạnh tôi, vẫn đưa tay ra ôm lấy tôi như thường lệ. Tôi xoay lưng về phía chàng, mặc chàng vòng tay qua ôm lấy mình. Dù không nói năng gì, nhưng chúng tôi đều biết người kia không sao ngủ được. Đã gần ba tiếng chúng tôi không nói với nhau câu nào, đây là lần cãi vã lớn đầu tiên của chúng tôi vì những bất đồng trong quan niệm về giá trị.

Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi, ai đúng ai sai có nghĩa lý gì đâu! Yêu nhau ngần ấy thời gian, tôi cứ nghĩ, cái ngăn cách giữa hai chúng tôi là thân phận nhà sư và tín ngưỡng Phật giáo của chàng. Nhưng bây giờ xem ra, vượt qua mọi trở ngại để đến với nhau không khó bằng yêu thương, sát cánh bên nhau giữa lúc khốn cùng trong thời buổi li loạn, đói khổ. Có thật là vợ chồng nghèo, làm việc gì cũng khó không? Lẽ nào, tình yêu sâu đậm của chúng tôi cũng không thể vượt qua nổi rào cản này?

Chợt trong chăn có tiếng gãi sồn sột, tôi biết, hai chân chàng đang cọ vào nhau. Chợt nhớ đến vết nứt nẻ trên chân chàng, chắc rằng hơi nóng trong chăn đã khiến chàng ngứa ngáy khó chịu. Tôi khoác áo, ngồi dậy, lần đến cuối giường, đưa tay tìm kiếm hai bàn chân chàng, đặt lên lòng, xoa bóp cho chàng dễ chịu. Bỗng chàng bật dậy, rút chân về, ôm chầm lấy tôi. Áp má vào lồng ngực chàng, tôi nhận thấy chàng đang khẽ run rẩy. Trong bóng đêm, bờ môi mềm mượt của chàng lướt trên má tôi, tìm kiếm môi tôi, run rẩy, hít hà. Tôi đáp lại chàng, hôn lên mắt chàng, vị mặn mòi thấm vào đầu lưỡi, thì ra chàng đang khóc. Trái tim tôi như vỡ òa, tôi áp môi mình vào môi chàng, chúng tôi cuốn vào nhau. Chàng vươn lên, hôn vào mắt tôi, khi làn môi mềm mại ấy lướt qua, tôi mới chợt nhận ra, không chỉ mình chàng đang khóc.

- Rajiva, em xin lỗi, em là con người của thế kỷ XXI, em ích kỷ hơn chàng rất nhiều. Chàng không hề sai, dù cho con người thời hiện đại không tán đồng quan điểm về giá trị của chàng, còn cho rằng kiên trì, đức độ, bao dung và thanh cao như chàng là cổ hủ đi nữa. Còn em thì sao? Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quan điểm hiện đại trong tư tưởng của Machiavelli đã chắc gì là đúng! Thực ra nói rằng, em muốn mọi người được sống tiếp, chẳng qua chỉ là một cách biện hộ cho việc em sử dụng thủ đoạn không mấy vẻ vang để đạt được mục đích của mình mà thôi…

- Nàng không sai…

Chàng ngẹn ngào thì thào bên tai tôi:

- Sinh ra trong gia đình vương giả, từ nhỏ ta đã quen với cuộc sống được cung phụng, no đủ, người hầu kẻ hạ, chưa từng nếm trải nỗi cực khổ của người đời. Bản thân ta lại chỉ biết tụng kinh giảng đạo, mà những tri thức đó hoàn toàn không có tác dụng gì trong lúc thiên tai dịch họa này, chẳng giúp ta có được gạo ăn, đừng nói đến cứu giúp người khác. Ta có lòng muốn giúp đỡ người khác lúc hoạn nạn, nhưng không biết lượng sức mình, càng chẳng thể ngờ, trận đói này lại kéo dài như vậy, khiến ngay cả chúng ta cũng phải chịu cảnh đói khát. Ta làm chồng mà để vợ mình phải chịu khổ cực…

Tôi cắn chặt môi mới kìm chế được mình không bật khóc. Mười mấy con người đang nằm đằng sau tấm rèm này. Tôi ghì chặt lấy chàng, hôn lên bờ môi chàng, thì thầm vào tai chàng:

- Không, người phải xin lỗi là em. Rajiva, đừng tự trách mình. Không ai có đủ khả năng thay đổi tình trạng này, kể cả người đến từ tương lai như em. Chúng ta không phải nhà cầm quyền, chàng đã bị họ Lữ kia tước đoạt quyền lực tôn giáo, nên khi đối mặt với nạn đói, chàng cũng giống em, chúng ta chỉ là những thường dân tội nghiệp. Chàng đã làm tất cả những gì có thể: ngày ngày đi khất thực, đến nhà các bá quan văn võ trong triều thuyết giảng kinh Phật để đổi lấy lương thực. Bây giờ, xin hãy để em giúp chàng. Dù có thế nào, một mình em sẽ gánh chịu hậu quả, sẽ không để chàng bị liên lụy…

Môi chàng áp lên môi tôi, ngăn tôi nói tiếp, chúng tôi cuốn lấy nhau say mê. Chàng dịu dàng kéo tôi vào lòng, giọng chàng êm ái mà rành rọt:

- Ta đã suy nghĩ rất nhiều và hiểu ra rằng, tuy Mông Tốn là kẻ xảo quyệt, nhưng dù sao cũng hơn nhiều tên họ Lữ kia, nên nàng làm vậy là đúng. Nàng gây ra nghiệp chướng, vì nàng là vợ ta, vì nàng muốn giúp ta cứu người. Nên bất luận bị đầy xuống tầng đại ngục nào, dù phải lên núi đao, xuống chảo dầu, ta đều bằng lòng gánh chịu thay nàng.

Nước mắt tuôn rơi, tôi ngả mình trên vai chàng, nghẹn ngào:

- Em không muốn như vậy…

Chàng khẽ cười, ôm lấy hai vai tôi, bàn tay chắc nịch truyền sức mạnh cho tôi:

- Vậy, chúng ta sẽ cùng nhau đối diện.

- Vâng!

Tôi hôn lên gò má gầy guộc của chàng, ghé sát vào tai chàng, thì thầm:

- Rajiva, chỉ cần vượt qua giai đoạn khó khăn này, em sẽ không tiếp tục giảng bài cho Mông Tốn nữa. Hãy cho em thêm chút thời gian…

Chàng trả lời tôi bằng nụ hôn nồng nàn, những sợi râu lún phún trên cằm chàng cọ vào da mặt tôi ran rát, giọng chàng như gió thoảng bên tai:

- Ta không muốn nàng đến đó, phần cũng vì ích kỷ. Tuy không biết nàng là người đến từ tương lai, nhưng những tri thức của nàng chắc chắn sẽ cuốn hút Mông Tốn. Ngải Tình, trí tuệ uyên bác của nàng là kho báu mà không người con gái nào ở thời đại này có được. Nếu Mông Tốn sinh lòng muốn chiếm hữu nàng…

- Chàng đừng lo, em biết cách tự bảo vệ. Nếu em không tự nguyện, thì trên đời này, không người đàn ông nào có thể ép buộc em cả.

Tôi níu sát hơn nữa vào khuôn ngực chàng, đan tay vào tay chàng:

- Huống hồ, chàng đâu phải một kẻ vô danh tiểu tốt, vả lại giờ đây ông ta cũng chưa phải là vua một nước. Tranh thê đoạt thiếp của người khác sẽ gây bất lợi cho ông ta, con người khôn ngoan, gian xảo ấy, chắc chắn hiểu rõ điều này.

- Ta biết này có đủ khả năng tự bảo vệ, nhưng để vợ mình ngày ngày đến nhà người đàn ông khác, ta thấy…

Tôi sững sờ! Chàng đang ghen ư? Cõi lòng ngập đầy buồn tủi của tôi bỗng trào dâng niềm hạnh phúc ngọt ngào, tôi bật cười khi nước mắt vẫn chưa khô. Thật tiếc là trong bóng đêm mịt mùng, tôi chẳng thể quan sát biểu cảm của gương mặt chàng khi ghen. Đặt tay lên môi chàng, tôi ghé sát tai chàng, rủ rỉ: - Rajiva, chàng tin tưởng tình yêu em dành cho chàng không gì có thể lay chuyển được chứ?

Chàng gật đầu cả quyết.

Tôi trải rộng bàn tay chàng ra, nắm chặt tay mình lại, đập khẽ vào lòng tay chàng:

- Em xin thề không bao giờ làm điều gì có lỗi với chàng, như vậy, chàng đã yên tâm chưa?

- Nàng đã sát cánh cùng ta vượt qua bao gian nan khổ ải, làm sao ta có thể không tin nàng được! Có điều, Mông Tốn chẳng phải chính nhân quân tử…

Chàng thở dài khe khẽ, hôn lên trán tôi:

- Nàng phải hết sức cẩn trọng…

Chúng tôi ôm nhau thật chặt, quấn quyện trong nụ hôn dài bất tận, bàn tay đan kết trong nhau. Tôi bỗng thấy mình được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh, sức mạnh để tiếp tục sống…

Ngày hôm sau, như thường lệ, sau khi kết thúc giờ học, tôi cõng tải gạo, bước ra khỏi cổng chính nhà Mông Tốn. Điều khiến tôi vô cùng kinh ngạc là Rajiva và Hô Diên Bình đang đứng chờ tôi. Thấy tôi, chàng khẽ mỉm cười, nụ cười đã lâu lắm rồi tôi mới được nhìn ngắm. Lúc chàng cười, cả con người chàng như sáng bừng lên, rạng rỡ. Ánh mặt trời hiếm hoi giữa ngày đông giá lạnh đổ xuống tà áo cà sa màu nâu sòng của chàng những chùm sáng lung linh, sưởi ấm cả một khoảng trời âm u. Tuyết tan ra ngày một nhiều, tí tách nhỏ giọt từ những mái hiên, tựa như thanh âm của một trân mua nhỏ.

Hô Diên Bình đón lấy tải gạo từ tay tôi, nháy mắt đầy ẩn ý. Vẫn chưa hết ngỡ ngàng, Rajiva đã nắm tay tôi, kéo tôi đi về một hướng khác. Quay đầu lại, đã không thấy bóng dáng Hô Diên Bình đâu cả.

- Rajiva, chúng ta đi đâu vậy?

Chàng thận trọng đỡ tôi bước qua một vũng nước, quay lại nhìn tôi tủm tỉm cười, nụ cười rạng rỡ tựa ánh mặt trời:

- Đến nơi nàng sẽ biết.
Danh sách chươngX

Cài đặt giao diện